Để đảm bảo đúng tiến độ vận hành lò đốt rác theo như tiêu chí đưa ra từ phía UBND thành phố Cần Thơ, Công ty CP Thương mại và Đầu tư Công nghệ Ecotech Việt Nam đã ra sức làm việc ngày và đêm.

Dự kiến cuối tháng 9 này, 7 lò đốt rác sẽ hoạt động đồng bộ bao gồm cả hệ thống đốt thô và dây chuyền, khi đó sẽ giải quyết được trên 100 tấn rác thải/ngày.

Bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, cho biết “Mỗi ngày lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP Cần Thơ mỗi ngày khoảng 300 đến 350 tấn, nếu cộng thêm 3 lò đốt rác thủ công tại địa bàn quận Cái Răng mới chỉ giải quyết được trên dưới 150 tấn rác/ngày, số còn lại vẫn phải chôn lấp tạm tại một số quận huyện. Mặc dù vậy khi hệ thống lò đốt rác tại quận Ô Môn đi vào hoạt động đồng bộ sẽ góp phần lớn vào việc giảm tải được lượng rác thải sinh hoạt mà thời gian qua TP Cần Thơ đang gặp phải và giảm được áp lực chôn rác”

Theo như thông tin trước đó,  năm 2004, khi tỉnh Cần Thơ chia tách thành TP Cần Thơ trực thuộc trung ương và tỉnh Hậu Giang, toàn bộ rác nội ô TP Cần Thơ đều được đổ tại bãi rác Tân Long (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang). Đến năm 2014, bãi rác Tân Long đầy, buộc phải đóng cửa, toàn bộ rác của TP Cần Thơ mỗi ngày hàng trăm tấn bị dồn ứ chỉ tìm cách đi đổ “ké” hết nơi nay đến nơi khác. Đầu năm 2014, người dân quận Ô Môn (TP Cần Thơ) phản ứng quyết liệt, chặn đầu xe không cho xe rác vào đổ.

Khi không còn chổ đổ rác, TP Cần Thơ lại tìm cách đổ rác “ké” ở nơi khác. Ban đầu hợp đồng với một công ty chở qua bãi rác Hòa Phú (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) đổ tạm. Được vài bữa lại gặp cảnh dân Vĩnh Long chặn đầu xe. Công ty công trình đô thị TP Cần Thơ phải chạy khắp nơi tìm chỗ đổ rác với khối lượng hàng trăm tấn mỗi ngày, chờ bãi rác ở huyện Cờ Đỏ và bãi rác ở quận Ô Môn xây dựng xong. Vì vậy việc hệ thống lò đốt rác tại quận Ô Môn đi vào hoạt động được chính quyền TP Cần Thơ và người dân nơi đây quan tâm hơn bao giờ hết…