Thực hiện Nghị quyết 09 của HĐND thành phố (khóa 13) về nhiệm vụ, giải pháp thu gom, xử lý chất thải rắn ở nông thôn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2010-2020, tháng 9 – 2013, huyện Kiến Thụy đầu tư xây dựng thí điểm lò đốt rác sinh hoạt theo công nghệ BD-ANPHA tại 2 xã Đại Hợp và Đoàn Xá. Công trình gồm 5 phân khu chức năng: nhà đặt lò đốt rác; sân phơi có mái che; bể lọc xử lý nước thải; nhà làm việc; khu vực chôn lấp tro xỉ và hồ điều hòa. Tháng 1-2014, huyện đưa lò đốt rác vào hoạt động với công suất 4 tấn/ngày, góp phần giải quyết tình trạng rác tồn đọng tại 2 xã Đại Hợp, Đoàn Xá. Dự kiến, công trình hoàn thiện sẽ xử lý rác của 4 xã Đoàn Xá, Đại Hợp, Tân Phong và Đại Hà với công suất 7,5 tấn/ngày. Song do chưa hoàn thành đồng bộ, hiệu quả đốt rác chưa cao, môi trường tại khu vực chưa bảo đảm. Nhiều hạng mục công trình chưa được đầu tư xây dựng như khu chôn lấp tro xỉ, bể lọc xử lý nước thải, đường điện…do thiếu vốn. Huyện Kiến Thụy kiến nghị thành phố hỗ trợ kinh phí lắp đặt bổ sung hệ thống sấy rác đồng bộ với lò đốt công nghệ BD-ANPHA; bổ sung ngân sách để bảo đảm kinh phí hoạt động lò đốt rác, chế độ cho người lao động…
Đồng chí Nguyễn Văn Thành kiểm tra mô hình xử lý rác thải tại xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy.
Về phát triển kinh tế trang trại, toàn huyện có 85 trang trại chăn nuôi, tuy không tăng về số lượng, nhưng về quy mô phát triển mạnh, phần lớn có quy mô từ 3000 con gà hoặc trên 100 con lợn thịt/trang trại…Huyện triển khai nhiều chương trình hỗ trợ kinh tế trang trại phát triển như: hỗ trợ lãi suất vốn vay phát triển trang trại chăn nuôi; xây dựng hầm biogas; chương trình thay thế đàn lợn nái; triển khai chương trình Lifsap… Tuy nhiên, kinh tế trang trại của huyện chưa hình thành được vùng sản xuất hàng hóa tập trung; cơ chế, chính sách hỗ trợ còn ít, chưa tương xứng quy mô phát triển; đầu ra sản phẩm chưa ổn định…
Qua nghe báo cáo và khảo sát thực tế mô hình lò đốt rác, đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Thành đánh giá là đây mô hình tốt, tiết kiệm diện tích đất, giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường, giảm chi phí đầu tư. Mô hình thành công sẽ góp phần giải quyết tình trạng tồn đọng, xử lý rác thải khu vực nông thôn hiện nay. Song, thực tế triển khai mô hình còn nhiều hạn chế như quy trình thu gom, xử lý rác thải chưa chuẩn; chưa thực hiện phân loại rác đầu nguồn; cơ cấu tổ chức bộ máy vận hành, quản lý chưa đồng bộ; thiếu quy hoạch, quy chế quản lý… dẫn đến công trình dở dang, chưa bảo đảm vệ sinh môi trường. Thời gian tới, huyện Kiến Thụy tiếp tục tập trung hoàn thiện công trình; tính toán mô hình và xây dựng mô hình quản lý hợp lý. Nếu mô hình thực sự hiệu quả, tổ chức trình diễn và nhân rộng tới các địa phương khác. Trước mắt, các Sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ địa phương xây dựng quy hoạch tổng thể và thiết kế mẫu khu xử lý rác thải của mô hình này.
Về phát triển kinh tế trang trại, đồng chí Bí thư Thành ủy yêu cầu huyện Kiến Thụy nhận thức đúng về kinh tế trang trại, gia trại hiện nay. Trên cơ sở đó, hoàn chỉnh xây dựng quy hoạch các vùng trang trại tập trung; xây dựng mô hình trang trại chuẩn; quản lý tốt các khâu trong chăn nuôi; Khuyến khích thành lập và duy trì tốt hoạt động các tổ hợp tác chăn nuôi an toàn, phát triển liên kết 4 nhà; tăng cường chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ sinh học và ứng dụng KHKT vào sản xuất; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ quản lý, lao động trang trại chuyên nghiệp.
Nguồn tin: baohaiphong.com.vn